Nhiều em gái đang ở tuổi vị thành niên đã dễ dãi trao thân, để rồi chính cha mẹ các em phải đi “tố” người yêu của các em... Công an, tòa án đã thụ lý nhiều vụ án “khóc dở cười dở” như vậy.
Chị Bình, ngụ tại phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM, cho biết, con gái chị là Vân, 16 tuổi, bị một người đàn ông tên Phong, 30 tuổi, ngụ tại phường 11, quận 10 dụ dỗ bỏ nhà đi.
Chị nói: “Từ tháng 11/2008, con gái tôi dẫn Phong về nhà giới thiệu với gia đình rồi một thời gian sau cháu bỏ nhà đi theo anh ta. Sau ba ngày chúng tôi mới tìm được con gái tại nhà Phong nhưng cả hai mẹ con anh ta hăm dọa, nếu chia rẽ tình yêu của chúng thì hậu quả khôn lường. Chúng tôi phải nhờ công an can thiệp”.
Cuối tháng 1, công an quận 10 đã bắt Phong làm cam kết không tái phạm. Tuy nhiên, vì nhớ Phong, Vân suốt ngày thơ thẩn ngoài đường không chịu về nhà. Mới đây, chị Bình lại cung cấp một...tin vui: “Gia đình chúng tôi đã tìm cho cháu một cậu rất dễ thương. Khi quen cậu này, Vân đã hoàn toàn quên được Phong. Hai đứa chúng nó suốt ngày quấn quýt nhau”.
Còn anh Sơn, 44 tuổi, ngụ An Hữu, Cái Bè, Tiền Giang tố cáo Tú, 26 tuổi, ngụ tại phường Tân Thới Hiệp, quận12, TP HCM có hành vi giao cấu với con gái anh là Thanh , 14 tuổi, học sinh lớp 8.
Theo anh Sơn, Tú và Thang, quen với nhau trong một dịp đi chơi Tết. Sau phút gặp gỡ giao lưu vui vẻ, Thanh đã nghỉ học, theo Tú về TP HCM trốn trong nhà một người quen của Tú để cha mẹ khó tìm thấy.
Thanh kể lại: “Khi lên thành phố, ngày nào anh ấy cũng chở cháu đi chơi khắp nơi và nói với cháu những lời dịu dàng. Cháu đã nảy sinh tình cảm với anh ấy. Tình cảm của cháu và Tú ngày càng sâu đậm sau 4 ngày, nên cháu không giữ gìn nổi".
Một người bạn đã gọi điện báo cho gia đình Thanh biết chỗ cô con gái của họ và “người yêu” đang ở. Sau một tuần gia đình mới tìm được Thanh. Không lâu sau đó, ba của Thanhđã chở con gái lên thành phố giám định sức khỏe và làm đơn tố cáo.
Còn câu chuyện của Nhung, 15 tuổi, ngụ ấp Phước Trung, Phước Vinh, Châu Thành, Tây Ninh cũng tương tự chuyện của Thanh. Chỉ vì Nhật, 20 tuổi, đã có vợ, thường hay đến nhà chơi, Nhung đã nảy sinh tình cảm. Dù bị gia đình và chính quyền địa phương ngăn cấm, nhưng Nhung quyết bỏ đi cùng Nhật và đồng ý trao đời con gái của mình cho anh ta.
Cô bé ngây ngô tâm sự: “Anh ấy hứa nếu đi khoảng hai tháng, trở về gia đình êm xuôi thì anh sẽ giải quyết chuyện ly hôn với vợ anh để cưới cháu và sẽ lo cho cháu”. Và cũng chỉ vì niềm tin mù mờ ấy, cô bé 15 tuổi chấp nhận khai man lý lịch làm CMND giả với một cái tên khác để tên Nhật dễ dàng đưa Nhung vào nhà nghỉ.
Những tháng đầu năm 2009, TAND TP HCM tiếp nhận và đưa ra xét xử trên 12 vụ hiếp dâm trẻ vị thành niên. Hầu hết các vụ đều do nạn nhân chủ động “yêu”, còn “người yêu” của nạn nhân thì bị gia đình nạn nhân tố cáo.
Những bị cáo đều bị men tình lấn lướt trí khôn, quên mất rằng mình đang phạm pháp, hoặc thiếu hiểu biết nghiêm trọng về pháp luật.
Luật sư Lê Hà Thúy Lan, Đoàn Luật sư TP HCM, từng bào chữa cho một số bị cáo trong các vụ hiếp dâm mà nạn nhân đang ở độ tuổi vị thành niên, cho biết điều bà thấy nhiều nhất hiện nay là chính các bị hại “nối giáo cho giặc”. Sự dễ dãi của các em đã gây nên sự bất hạnh cho chính các em, kế đến là gây nỗi đau lớn cho gia đình. Bên cạnh đó, nếu là tình yêu thật sự thì chính sự dễ dãi đó cũng góp phần đưa người yêu mình vào vòng lao lý. “Tuy nhiên, không phải cứ thấy các cô gái dễ dãi, buông thả là nam giới lợi dụng. Pháp luật nên nặng tay hơn với những đối tượng này”, bàThúy Lan nói.
Thẩm phán Nguyễn Thị Thu Thủy, TAND TP HCM, cho biết: “Tôi thấy các cô gái trong những trường hợp trên quá non nớt còn những cậu con trai kia, vừa hành động phạm pháp, vừa không biết trân trọng tình yêu. Đó cũng là sự báo động về việc đạo đức, lối sống trong gia đình, là hậu quả của việc thả lỏng giáo dục con".
Nhìn nhận ở góc độ khác, bà Thủy cho rằng, xu hướng chạy theo trào lưu của một bộ phận tuổi vị thành niên hiện rất đáng lo ngại. Các em dễ dàng bị thu hút bởi những lối sống, lối chơi phóng túng qua phim ảnh, qua các trò chơi.
"Nếu đã xảy ra những trường hợp trên, cha mẹ và những người xung quanh phải giúp các em đứng dậy sau nỗi đau. “Tôi biết có nhiều em bị hãm hại, gia đình đã không động viên dạy dỗ các em đúng cách mà chỉ trích các em nên có em tự tử, có em trượt dài vào con đường tệ nạn. Theo tôi, một mặt vẫn nghiêm khắc trong việc kiểm soát các mối quan hệ của con cái lứa tuổi vị thành niên, nhưng mặt khác phải dành cho các em tình cảm ấm áp, giúp các em tự tin bước tiếp những chặng đời dài phía trước”- bà Thủy chia sẻ.
* Tên các nhân vật đã được thay đổi